Khaisilk từng thừa nhận nhập hàng Trung Quốc từ năm 2013

Thứ bảy - 28/10/2017 08:32
Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Forbes từ năm 2013, tự nhận mình là “người khai sinh ra phố tơ lụa ở Hàng Gai” nhưng ông Khải không phủ nhận “về sau, khi công việc làm ăn tấn tới, Khải còn nhập các sản phẩm lụa từ Trung Quốc".
Khaisilk từng thừa nhận nhập hàng Trung Quốc từ năm 2013

Trả lời tờ Forbes cách đây gần 4 năm, Hoàng Khải cho biết: "Khải đặt vải lụa, đặt làm các sản phẩm ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, rồi vào tận Đà Nẵng đặt hàng, giúp tạo nên công việc cho nhiều gia đình chuyên gia công các sản phẩm cho thương hiệu Khải Silk".

Khải Silk là một trong những thương hiệu lớn đầu tiên được xác lập ở Hà Nội với chuỗi cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm ở các khách sạn 5 sao, nhắm vào đối tượng khách du lịch có tiền. Có thời điểm, số cửa hàng Khai Silk ở Hà Nội lên tới một chục. Theo một số người buôn bán trên phố Hàng Gai những năm 1990, cửa hàng của Khải thời gian đầu làm ăn được còn nhờ vào những dịch vụ khác phục vụ khách du lịch.

Bài viết trên Forbes từ năm 2013 có đoạn Khaisilk thừa nhận nhập hàng Trung Quốc.
Bài viết trên Forbes từ năm 2013 có đoạn Khaisilk thừa nhận nhập hàng Trung Quốc.

Tự nhận mình là “người khai sinh ra phố tơ lụa ở Hàng Gai” nhưng ông Khải không phủ nhận “về sau, khi công việc làm ăn tấn tới, Khải còn nhập các sản phẩm lụa từ Trung Quốc".

Tờ Forbes tại thời điểm đó viết: "Ông cho rằng “mẫu mã là do mình thiết kế, mình chỉ đặt hàng theo ý mình.” Kinh doanh “một vốn, mười lời”, nhưng có bài bản, ông Khải tạo ra được tên tuổi riêng, xác lập đẳng cấp cao hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành".

"Chuyện cái kim trong bọc"

Chia sẻ trên trang cá nhân về câu chuyện Khaisilk, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng: "Chuyện Khải Silk phải chăng chỉ là cái kim trong bọc? Hàng Tàu giờ thống lĩnh không ít lãnh vực hàng hóa Việt Nam. Doanh nhân Việt Nam nhập hàng Tàu về bán, vì thời thế thị trường, vì tham rẻ, mẫu mã nhiều, và vì thực sự cũng dễ lừa người tiêu dùng bởi hàng Tàu dán nhãn lung tung không dễ phát hiện".

Thừa nhận, hàng Việt Nam không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc vì "mình yếu, thiếu sức cạnh tranh" nhưng bà Hạnh cũng cho rằng: "Khi biết rằng sự thua kém hàng Tàu gần như điều thấy trước, thậm chí khách quan, thì chúng ta đã làm gì để bảo vệ nền kinh tế của mình và nhất là bảo vệ doanh nghiệp của mình. Chúng ta đã làm gì để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp của mình? Hiện nay, họ bán và đóng băng, giải thể các nhà máy, công ty hàng loạt. Rồi mai này, nền sản xuất kinh doanh của Việt Nam sẽ ra sao?"

Trao đổi với báo chí, một doanh nhân cùng ngành với Khaisilk cho rằng, trong ngành lụa nhiều người cũng biết Khaisilk đặt hàng tại Trung Quốc.

Bà cho hay, Hiệp hội Lụa Việt Nam cũng nhìn nhận một thực tế rằng các sản phẩm lụa "made in Vietnam" hiện rất yếu trong khâu thiết kế, một phần do cũng không có nhiều chi phí để thiết kế một cách bài bản.

"Tôi đi rất nhiều nước, nhưng chưa thấy ai nhắc về lụa Việt Nam, họ chỉ nói lụa Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia… Quốc tế biết nhiều về anh Khải, nhưng điều lạ là họ lại không biết nhiều về lụa Việt Nam. Tôi mong muốn thời gian tới, hàng lụa Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trên thế giới", bà Hạnh nói.

Đối mặt với nguy cơ pháp lý

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, đây là vụ việc có dấu hiệu lừa dối có tổ chức, được chuẩn bị, tính toán, với số lượng và quy mô lớn.

Theo quy định tại điều 162 Bộ Luật hình sự, hành vi của ông Khải có dấu hiệu cấu thành tội "lừa dối khách hàng", do đó, có căn cứ để khởi tố hình sự, Luật sư Hùng phân tích. Ngoài ra, theo điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp của ông Khải đã vi phạm pháp luật về quyền lợi của người tiêu dùng .

Điều luật này quy định khách hàng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền khởi kiện Khaisilk để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

"Như vậy, ngoài việc bị xử lý về mặt hành chính, hình sự, Khaisilk có thể còn phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự theo như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gồm bồi thường cho khách hàng, đối tác căn cứ theo các hợp đồng, giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng và các quy định pháp luật liên quan", Luật sư Hùng nói.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội), ngay khi ông chủ Khaisilk thừa nhận nhập thêm hàng Trung Quốc từ giữa những năm 90 bên cạnh hàng xuất xứ Việt Nam thì có sự vi phạm pháp luật nhất định.

"Đầu tiên là về sở hữu trí tuệ, khi đăng ký phải nói rõ nguồn gốc, hồ sơ này Khaisilk có lẽ đã khai xuất xứ từ làng nghề Việt Nam. Trong khi đó, suốt thời gian vừa qua, người dùng đã mua hàng của ông với thông tin ông đưa ra hàng sản xuất ở Việt Nam là lừa dối, vi phạm Luật bảo vệ người tiêu dùng", Luật sư Truyền cho biết.

Ông Truyền cũng cho rằng, nếu cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, có căn cứ cụ thể như giả nhãn mác, nguồn gốc với giá trị trên 30 triệu đồng thì có căn cứ khởi tố vụ việc. Cùng với đó, những nhà cung cấp nguồn hàng cho Khaisilk suốt 30 năm qua cũng có thể khởi kiện về việc gian dối, trộn hàng và gán nhãn mác giả.

Tác giả bài viết: Phương Dung

Nguồn tin: dantri.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin xem nhiều